Tự kỷ ảnh hưởng đến nhiều phần của não; tuy nhiên cơ chế của việc này xảy ra như thế nào vẫn chưa được hiểu rõ. Vì vậy, nhà trường, phụ huynh cũng như giáo viên nên có những biện pháp can thiệp về hành vi hoặc nhận thức kịp thời để có thể giúp trẻ đạt được các kỹ năng về xã hội và giao tiếp.
Tận dụng những sở thích của trẻ bị tự kỷ như một phần thưởng cho chúng
Nhiều trẻ tự kỷ có sở thích đặc biệt hoặc các hoạt động giúp chúng dễ dàng tập trung cao độ. Những thứ này có thể khá cụ thể đối với từng đứa trẻ khác nhau, và có thể thay đổi theo thời gian khi đứa trẻ trưởng thành. Thông thường, những thứ này sẽ giúp bạn dễ dàng tương tác với trẻ hơn, và cũng có thể được sử dụng như một dạng phần thưởng. Hãy tạo một trờ chơi nơi trẻ cần tìm kiếm món đồ liên quan đến sở thích đặc biệt của chúng. Nhờ đó, chúng sẽ có hứng thú để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của giáo viên trong lớp.
Đừng làm mọi thứ trở nên quá dễ dàng
Cho dù ai cũng biết những đứa trẻ tự kỉ phải vật lộn với những thách thức trong học tập, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên làm mọi thứ trở nên quá dễ đạt được cho chúng. Ví dụ, một đứa trẻ tỏ ra rằng nó muốn một viên kẹo. Thay vì đưa ngay cho chúng viên kẹo đó rồi tiếp tục bài học, hãy đặt món đồ chúng muốn đó ở vừa tầm với, và chỉ cho trẻ cách đưa ra yêu cầu (nhờ vả, đề nghị) để có được nó.
Hãy thử “Hand Over Hand”
Các kỹ năng vận động tinh (fine motor skills), chẳng hạn như viết hoặc buộc dây giày, có thể rất khó khăn đối với trẻ tự kỷ. Thay vì cho chúng thấy cách làm hay đưa ra hướng dẫn miệng, hãy thử đặt bàn tay mình lên tay của trẻ. Việc kèm cặp và đưa ra những hướng dẫn chuyển động bằng cách cho chúng trải nghiệm thực tế giúp trẻ dễ dàng nắm được cách làm hơn. Đây cũng là một cách dạy viết chữ rất phổ biến của các giáo viên Việt nam và hầu hết thời gian nó luôn mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ăn uống có thể là một thử thách
Các vấn đề về giác quan với kết cấu và mùi vị nhất định, cũng như sự khác biệt trong cách cảm nhận cơn đói khiến nhiều trẻ tự kỷ gặp vấn đề trong việc ăn một chế độ ăn bình thường. Tuy nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ trong giờ ăn. Trẻ em bị đói sẽ gặp khó khăn hơn trong việc học cho dù chúng mắc chứng tự kỷ hay bệnh thần kinh điển hình. Nếu trẻ có vẻ thảnh thơi hơn bình thường, hãy cho trẻ ăn một món ăn nhẹ mà bạn biết là trẻ thích. Năng lượng bổ sung từ bữa ăn nhẹ có thể giúp ích rất tốt cho việc học.
Không đặt hy vọng quá cao khi cố gắng hỗ trợ trẻ
Có những điều đơn giản mà một đứa trẻ tự kỷ sẽ cần phải cố gắng rất nhiều để đạt được, chẳng hạn như sử dụng nhà vệ sinh ở trường mỗi ngày hoặc đặt câu hỏi trong một cuộc hội thoại hai người hoặc nhiều hơn. Sẽ có thể có những tình huống mà chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra khi cố gắng phát triển những kỹ năng này cho chúng. Vì vậy, không nên quá đặt nặng việc hoàn thành mục tiêu 100%, đôi khi trẻ chỉ làm được 3/5 thứ mà bạn cố gắng hướng dẫn đã là rất tốt rồi!
Chia sẻ kinh nghiệm thành công với người khác
Khi bạn đã thành công áp dụng những phương pháp để giúp đỡ trẻ, hãy chia sẻ những kinh nghiệm đó với những người giám hộ khác của đứa trẻ. Nếu bố mẹ, giáo viên và nhà trường cùng phối hợp ăn ý, điều này sẽ tạo điều kiện và môi trường thích hợp để trẻ tự kỷ phát triển một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
Theo Love to Know