Nghe giảng, ghi chép, làm bài tập về nhà, đi học phụ đạo… là những phương pháp dạy học phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên những phương pháp này có những yếu điểm nhất định mà ai cũng sẽ nhận ra.
Câu hỏi đặt ra là liệu còn phương pháp nào thay thế nhưng mang lại hiệu quả cao hơn không? Liệu có tồn lại phương pháp giáo dục nào mới lạ nhưng vẫn giúp trẻ phát triển toàn diện không?
Hãy cùng VTJ tìm hiểu 5 phương pháp dạy học độc đáo đã và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới cho đến ngày nay nhé!
STEINER – Lớp học của tâm hồn – trí tuệ – thể chất
STEINER là phương pháp giáo dục đã được áp dụng trên toàn thế giới trong suốt gần 100 năm qua. Mô hình giáo dục này được lấy cảm hứng và đã được phát triển từ kiến thức thuộc Nhân loại học. Triết gia và nhà khoa học người Áo Rudolf Steiner, xây dựng nó dựa trên giả thuyết rằng con người đạt đến sự thông thái khi tự mình khai những những bí ẩn chôn sâu trong tâm trí. Phương pháp dạy học này tập trung vào sự phát triển toàn diện: Gồm tâm hồn – trí tuệ và thể chất.
Các giai đoạn của phương pháp dạy học STEINER
Phương pháp này chia quá trình học của mỗi người thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài 7 năm:
- Giai đoạn 1 (Từ 1 – 7 tuổi): Theo Steiner, 7 năm đầu đời của một người rất quan trọng trong việc hình thành tư duy nền tảng. Vì ở lứa tuổi này là giai đoạn trẻ hoàn thiện các giác quan. Chúng rất dễ bắt chước những hành động của người lớn xung quanh chúng. Vì vậy, trẻ em nên được khuyến khích vui chơi và tương tác với môi trường xung quanh, thay vì bị “nhồi nhét” kiến thức theo cách phản khoa học.
- Giai đoạn 2 (Từ 8 – 14 tuổi): Đây là thời điểm mà khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng nên được phát triển ở trẻ. Các em nên được tiếp xúc với những hoạt động ngoại khóa, những hội đoàn sinh hoạt vui chơi… Điều này sẽ giúp trẻ bắt đầu được học cách cân bằng cảm xúc, có trách nhiệm hơn với suy nghĩ của mình.
- Giai đoạn 3 (Từ 15 – 21 tuổi): Ở giai đoạn này, bạn nên hướng dẫn cho người học được tư duy biện luận và nhìn nhận thế giới xung quanh theo cách thực tế và logic hơn. Cũng như phát triển những tố chất thiên bẩm vào mục đích có ích cho xã hội.
MONTESSORI – Lớp học của sự tự do
Bác sĩ Maria Montessori là vị nữ bác sĩ đầu tiên của nước Ý, đã phát triển mô hình giáo dục và đặt tên phương pháp này theo tên mình vào năm 1907.
Montessori phủ nhận quan điểm rằng trẻ em là tờ giấy trắng và cho rằng phương pháp dạy học truyền thống đang giới hạn sự phát triển của trẻ bởi những giáo trình lỗi thời và phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Thay vào đó, bà tin rằng mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có khả năng tiếp thu riêng biệt và sẽ định hướng được con đường học tập của mình trong tương lai. Từ đó, bà đã tạo ra một môi trường học tập tự do, nơi mỗi học sinh đều được chủ động trong việc chọn thời khóa biểu và phương pháp học cho riêng mình, và giáo viên chỉ đóng vai trò quan sát.
Đặc điểm của phương pháp dạy học MONTESSORI
Tương tác trực quan là yếu tố cốt lõi trong phương pháp dạy học MONTESSORI, khuyến khích trẻ cảm nhận được thế giới xung quanh thông qua những cảm nhận bằng việc cầm, nắm những “món đồ chơi học tập” như: nhận diện hình khối, xếp bảng chữ cái, xếp thang… trước khi bắt đầu học viết.
Phương pháp này dành cho nhóm trẻ khoảng 3 tuổi, không có kiểm tra hoặc bất kỳ loại bài tập nào để tránh tạo áp lực và môi trường học tập cạnh tranh. Điều này sẽ tạo cho trẻ khả năng tương tác xã hội và kỹ năng học tập tốt hơn.
Các trò chơi đã được ứng dụng thành những món đồ chơi tại nhà hoặc trường học
HARKNESS – Lớp học bàn tròn
Đây là phương pháp dạy học đổi mới đến từ đại gia dầu mỏ Edward Harkness. Ông không phát triển phương pháp này dựa trên bất kỳ một chương trình hay một thuyết nào cụ thể, mà tập trung vào cách sắp xếp lớp học để tạo ra một môi trường tương tác hiệu quả.
Đặc điểm chính của phương pháp này là học sinh và giáo viên sẽ ngồi xung quanh chiếc bàn tròn để thảo luận và cùng nhau phân tích một vấn đề bất kỳ nào đó. Có thể là Toán học, Ngữ Văn, Tiếng Anh… Phương pháp này giúp cho người học và giáo viên thoát ly khỏi phương pháp “Bảng đen phấn trắng” nhàm chán.
Các đặc điểm của lớp học HARKNESS:
Tại bàn tròn, mọi cá nhân đều được bày tỏ ý kiến, được tiếp nhận, phản biện và đặt câu hỏi cho mọi người. Trong cuộc thảo luận đó, giáo viên sẽ là người điều hướng cuộc thảo luận thay vì là người truyền tải kiến thức một chiều. Vì mỗi học sinh đều sẽ có tư duy cũng như quan điểm khác nhau, nên chi tiết của mỗi buổi thảo luận sẽ mang những nội dung và điều thú vị khác nhau, vì thế sẽ đòi hỏi người giáo viên đó phải có trình độ chuyên môn cao và luôn cập nhật kiến thức mới tránh lặp đi lặp lại một giáo trình.
Cách sắp xếp lớp học theo “bàn tròn Harkness” tạo ra sự thân mật giữa mọi người, khiến học sinh có trách nhiệm hơn với việc học của mình, cũng như khuyến khích các bạn bày tỏ quan điểm cá nhân. Ngoài ra họ sẽ còn được cải thiện những kỹ năng như nói trước đám đông, kỹ năng phản biện, kỹ năng tư duy… và quan trọng là học được cách tôn trọng ý kiến của người khác.
REGGIO EMILIA – Lớp học bình đẳng
Phương pháp dạy học này được thiết kế dành riêng cho việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi 3-6. Triết lý giáo dục của phương pháp này được dựa trên quan điểm trẻ em là những cá thể tài năng, thích khám phá và luôn muốn chinh phục thử thách. Vì vậy, các trẻ hoàn toàn có thể phát triển trong môi trường tự học, nơi sự tôn trọng được thể ở thầy cô và học sinh.
Các đặc điểm của lớp học REGGIO EMILIA
Phương pháp Reggio Emilia chú trọng việc thiết kế lớp học mang cảm giác như ở nhà, đi với đó là chương trình học linh động, thoải mái và ưu tiên việc phát triển tố chất ở trẻ. Ngoài ra, phương pháp này còn đề cao việc cùng trẻ khám phá mọi thứ, thay vì cung cấp “ngay và luôn” những câu trả lời cho trẻ. Từ đó, trẻ em sẽ được phát triển đúng với khả năng của mình, về mặt trí tuệ lẫn mặt thể chất.
Các dụng cụ mỹ thuật dường như không bao giờ thiếu bóng trong lớp học Reggio Emilia vì chúng là công cụ thúc đẩy khả năng sáng tạo ở trẻ. Đối với giáo viên, họ được yêu cầu phải có năng khiếu về nghệ thuật để hỗ trợ trẻ trong các “dự án cá nhân” của mình.
SUDBURY – Trường học dân chủ đầu tiên trên thế giới
Phương pháp dạy học Sudbury áp dụng quan điểm tôn trọng quyền cá nhân và tính dân chủ vào mô hình giáo dục. Tại đây, học sinh có toàn quyền chọn môn học và cách học, cũng như có quyền chọn cách được đánh giá học lực. Vào cuộc họp toàn trường mỗi tuần, học sinh sẽ bỏ phiếu để quyết định các quy định kỷ luật, các chi tiêu, kể cả việc sa thải nhân viên của nhà trường. Có nghĩa là mọi học sinh, giáo viên và công nhân viên của nhà trường đều có quyền biểu quyết bình đẳng như nhau.
Triết lý hoạt động của SUDBURY
Triết lý hoạt động của Sudbury tin rằng học sinh có đủ khả năng tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với chính quyết định của mình. Tuy rằng đây là phương pháp khá mới và ít được phổ biến rộng rãi vì có nhiều bất cập nếu ứng dụng sai cách, nhưng phương pháp dạy học này sẽ rất hiệu quả nếu được tổ chức một cách quy cũ và rõ ràng.