Việc giao tiếp hiệu quả với cha mẹ học viên của bạn cũng cần thiết như việc giao tiếp hiệu quả giữa giáo viên và học viên trong lớp học. Thường thì ở các trung tâm và trường ngôn ngữ ở Việt Nam, trợ giảng là người chịu trách nhiệm trao đổi với phụ huynh về sự tiến bộ của con cái họ, đặc biệt là vào giữa và cuối khóa.
Vì vậy, trợ giảng cần biết cách giao tiếp hiệu quả với phụ huynh để khiến việc hợp tác giữa bậc cha mẹ và nhà trường mang lại kết quả tốt nhất.
Trao đổi với phụ huynh rõ ràng về năng lực của con họ ngay từ lúc đầu
Điều quan trọng nhất khi cập nhật tình hình của học viên là không để phụ huynh kỳ vọng quá nhiều. Nếu học viên không làm tốt ngay từ đầu, hãy để họ biết kèm theo đó là những phương án giúp bé có thể thể hiện tốt hơn.
Ví dụ: “Con vẫn còn ngại nói tiếng Anh và phát biểu, nhưng cô giáo sẽ thêm nhiều hoạt động gợi hứng thú cho con hơn, để con dần dạn dĩ hơn”
Trao đổi với phụ huynh rõ ràng về năng lực của học viên ngay từ đầu cho phép họ hiểu con họ đang ở đâu và thứ hạng của chúng như thế nào. Qua đó, họ sẽ có sự đo lường kỹ hơn cũng như dễ dàng triển khai những phương án phối hợp, kèm cặp giúp học viên tiến bộ nhanh hơn.
Ngoài ra, việc trao đổi giữa nhà trường và phụ huynh vốn là hai chiều, nên trợ giảng vì vậy cần tận dụng điều này để hiểu hơn về thói quen bên ngoài lớp học của học viên. Trợ giảng sẽ cần nhanh trí nắm bắt hay được cập nhật thường xuyên về hoạt động rèn luyện của học viên tại nhà. Điều này cho phép giáo viên lẫn nhà trường đánh giá và theo dõi được sát sao quá trình học của học viên để đề xuất những giải pháp hỗ trợ kịp thời và đúng đắn nhất.
Làm phụ huynh hiểu rằng việc luyện tập ở nhà là rất cần thiết
Việc học không chỉ dừng lại khi học viên bước ra khỏi lớp, hoặc khi buổi học kết thúc. Nếu muốn học viên có thành tích tốt hơn, gia đình cần duy trì một môi trường học tập tích cực và có tính thường xuyên tại nhà.
Bằng cách giao các bài tập hay nhiệm vụ giúp các em luyện tập bên ngoài buổi dạy kèm, trợ giảng lẫn trung tâm sẽ có thể cho bố mẹ thấy việc liên tục tiếp xúc với ngôn ngữ có thể cải thiện thành tích của học viên trong lớp học như thế nào.
Hãy: trao đổi với phụ huynh về việc hỗ trợ học viên với các bài tập về nhà; chia sẻ với họ bất kỳ góp ý nào về cách học viên thực hiện những nhiệm vụ đó. Ngoài ra không được bỏ qua bất kỳ sự thay đổi tích cực nào, hay trao đổi sâu về những yếu điểm mà học viên sẽ cần nhiều thời gian hơn bạn khác để cải thiện.
Ví dụ: Một học viên vì ngôn ngữ vùng miền nên âm “l” và “n” khi phát âm vẫn bị nhầm lẫn. Hãy góp ý thẳng thắn về việc học viên cần luyện tập nhiều hơn ở điểm này thay vì bỏ qua nó.
Trung thực về thành tích của học sinh
Không có gì thay thế được sự trung thực tuyệt đối khi giao tiếp với phụ huynh.
Trợ giảng cần trao đổi cởi mở và chính xác về hiệu quả học tập của con cái khách hàng trong lớp học, cũng như khả năng đạt được điểm hoặc kết quả mong muốn của học viên là bao nhiêu phần trăm (%).
Điều nên tránh nhất là khi một học sinh có thành tích kém, nhưng phụ huynh lại có những kỳ vọng quá lớn, không thực tế vì trợ giảng chỉ muốn làm “vừa lòng” họ. Bạn không thể chỉ nói những gì khách hàng muốn nghe, đặc biệt là khi nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sau.
Nếu học sinh đang gặp khó khăn, hãy ngồi lại với cha mẹ của chúng để thảo luận một cách tổng thể. Trường và giáo viên cũng như trợ giảng có thể hỗ trợ như thế nào? Cha mẹ có thể làm gì? Có những yếu tố nào trong hoặc ngoài lớp học có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập của con không? Việc cải thiện có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng bố mẹ sẽ cần phải hiểu rằng nó vốn là một phần tất yếu của quá trình học tập.
Cân nhắc đến cảm xúc và suy nghĩ của học viên
Các nhà giáo dục đang ngày càng nhận ra mối tương quan của sức khỏe tinh thần và tâm trạng của học sinh đối với kết quả học tập tốt. Bằng chứng hiện tại cho thấy rằng học viên càng tham gia nhiều hơn vào các mối quan hệ xã hội trong quá trình học tập, thì triển vọng thành công trong học tập và nghề nghiệp của họ càng lớn.
Trợ giảng nên theo dõi và đánh giá cảm nhận của học sinh về tài liệu môn học của chúng, sử dụng các bài đánh giá để hiểu được nguyện vọng của học viên, đồng thời trao đổi với phụ huynh một cách sát sao nhất.
Duy trì sự tự tin của học sinh
Trợ giảng có thể phát triển một mối quan hệ chặt chẽ với học viên của họ để giúp chúng tiến bộ hơn. Nhờ bầu không khí học tập được cá nhân hóa, học sinh có thể tâm sự với các thầy cô trợ giảng những căng thẳng mà các em không chia sẻ với giáo viên hoặc phụ huynh.
Trợ giảng cần cân nhắc việc truyền đạt bất kỳ thông tin chi tiết nào cho phụ huynh trong khi vẫn duy trì sự tin tưởng và tự tin của học sinh. Hãy thông báo cho cha mẹ những điều họ cần biết, và giữ bí mật những thứ quan trọng giữa bạn và học viên đó.
Cha mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con cái của họ. Họ gần như chịu trách nhiệm theo dõi quá trình học tập ngoài lớp học của học viên, vì vậy họ cần biết cách theo dõi và hiểu chặt chẽ quá trình học của con mình. Hãy luôn trung thực và duy trì tính liên tục khi trao đổi với phụ huynh về tiến độ học tập của con cái họ nhé.